Kỹ thuật Hồng Gia quyền

Lâm Thế Vinh, học trò của Hoàng Phi Hồng trong chiêu thức Tấn Mã Đầu Tranh Song Hổ Trảo trong bài Cung Tự Phục Hổ quyền của Nam Thiếu Lâm

Các kỹ thuật của Hồng Gia Quyền là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thiếu Lâm nguyên thủy ở Tung Sơn và Thuyền Quyền cổ xưa vùng Hàng Châu. Do đặc điểm miền sông nước và con người Giang Nam nhỏ con nên võ thuật Thiếu Lâm đã thay đổi và tiếp nhận thêm những kỹ thuật đặt đặc trưng của Thuyền Quyền.

Những đặc điểm của Thuyền Quyền nay còn lưu lại rất rõ  nét trong Hồng Gia Quyền: Mã bộ, côn pháp, kiều thủ, nhãn pháp,  cận chiến. Còn dấu tích của những kỹ thuật Thiếu Lâm cổ (chùa Tung Sơn) chủ yếu được ghi nhận trong phần bái tổ

Võ thuật của Hồng Gia xoay quanh bốn tiêu chí cơ bản: Mã Bộ, Kiều Thủ, Thân Người, Nhãn Pháp.

 Mã Bộ

Mã bộ (bộ chân, tiếng Việt còn gọi là bộ tấn) của Hồng Gia mang đậm dấu ấn của Thuyền Quyền theo các nguyên tắc:

  • Túc bất ly địa: chân không rời đất, khi chuyển mã bộ thì bàn chân vẽ thành một vòng cung trên mặt đất chứ không nhấc lên, không di chuyển thẳng. Mục đích để chiều cao của trọng tâm cơ thể ít thay đổi nhất, tạo sự vững chãi khi đứng trên những địa hình không ổn định (đứng trên thuyền, đứng trên thân cây nổi trên mặt nước, đứng trên bề mặt trơn trượt). Khi mã bộ di chuyển thường không quá một bước chân.
  • Ổn mã ngạnh kiều: do đặc điểm người Giang Nam (phía Nam sông Trường Giang) thấp bé nên cần dồn lực đánh mạnh, không chủ về đánh nhiều. Mã bộ của Hồng Gia Quyền yêu cầu phải chắc, cứng như mọc rễ dưới đất. Tương truyền các cao thủ Hồng Gia khi xuống tấn (chứ không phải đạp chân) có thể làm nứt gạch.
  • Tiểu khiêu: bước nhảy ngắn, chiều cao trọng tâm ít thay đổi nhất được gọi là Tiểu Khiêu (xỉu thiu). Bước nhảy này cực kỳ thích hợp với việc chiến đấu trên thuyền nhỏ.

Mã bộ của Hồng Gia Quyền cho thấy sự đối lập rõ nét nhất với các kỹ thuật của Thiếu Lâm Tung Sơn, vốn là vùng núi hiểm trở nên cần bước chân linh hoạt, thiên về nhảy và các bước nhảy thường xa, cao.

Tên các mã bộ của Hồng Gia Quyền:

  • Tứ Bình Mã, còn gọi là Tứ Bình Bát Phân, đây là mã bộ căn bản nhất, tất cả các mã khác đều xuất phát từ tứ bình mã,
  • Tí Ngọ Mã, dùng để tấn công,
  • Điếu Mã, dùng để chuẩn bị,
  • Tẩu Mã, dùng để thoát,
  • Nhị Tự Kiềm Dương Mã (vết tích cổ của Thuyền Quyền)
  • Kim Kê Độc Lập Mã
  • Quỵ Mã

Hồng Gia Quyền quan trọng nhất mã bộ. Tập mã bộ khi mới nhập môn có thể kéo dài tới 3 năm. Hiện nay các nhánh Hồng Gia Quyền xuất phát từ Hồng Kông có khuynh hướng mã bộ quá to, quá dài và phá bỏ các nguyên tắc về mã bộ của Hồng Gia như túc bất ly địa, đi ngược lại với các kỹ thuật chuẩn của Lâm Thế Vinh.

Kiều Thủ

Kiều thủ (Kiu Sau - 橋 手) là kỹ thuật đòn tay đặc trưng chung trong tất cả các môn võ vùng Giang Nam.

Một người biểu diễn một thế kiều thủ của Thiếu Lâm Hồng Gia

Kiều là tên gọi phần cẳng tay (từ cổ tay đến cùi chỏ). Người tập đánh vào những vật từ mềm cho đến cứng để kích thích phần xương này cứng và to lên.

Có ý kiến cho rằng khoảng cách giữa hai đối thủ như một con sông. Muốn qua được bờ bên kia để đánh thì phải bắc cầu, cũng như muốn phòng thủ không cho đối thủ đánh mình thì phải phá cầu của họ (Phá Kiều - một kỹ thuật thông dụng của các môn võ Nam Phái).

Trường Kiều là kỹ thuật đánh dùng cánh tay thẳng dài và nắm thành quyền, đong đưa hai bên vai và hông như đòn gánh và đứng tấn Đại Mã tức thế tấn rộng và thấp, được sáng tạo ra bởi Chí Thiện Thiền Sư và Hồng Hi Quan/

Đoản Kiều là kỹ thuật đánh nhập nội dùng xương cẳng tay chứ không dùng bàn tay hay nắm đấm.

Kỹ thuật đoản kiều và trường kiều xen kẽ với nhau. Người to cao thích đánh trường kiều (xa), người thấp bé thích đánh đoản kiều (gần).

Trong Hồng Gia Quyền còn lưu truyền những câu quyết: Trường Kiều - Đại Mã, Đoản Kiều - Tiểu Mã, Ổn Mã - Ngạnh Kiều. Một trong những pháp môn cao cấp nhất của Hồng Gia Quyền đó là Thiếu Lâm Thập Nhị Chi Kiều Thủ (12 thế đánh kiều thủ).

Thân Người

Thân người là một trong những yêu cầu khó của Hồng Gia (khó hơn Mã Bộ, Kiều Thủ). Người tập Hồng Gia cần phải có thân người tự nhiên, tùy theo mỗi thế công thủ mà có thân người ngay ngắn hoặc nghiêng ngả, hoặc trực thân, hoặc phiên thân.

 Nhãn Pháp

Nhãn pháp là yêu cầu cuối cùng và cao nhất của Hồng Gia. Có câu "Tai nghe bốn phương, mắt nhìn tám hướng" nói lên tầm quan trọng của việc tập luyện nhãn pháp. Các cao thủ Hồng Gia khi giao đấu đều có ánh mắt dữ tợn, nhãn quang như lấn át cả đối thủ, như Quan Đức Hưng, Đàm Long Hải, Lý Thái, Hà Cường

Nhãn pháp của Hồng Gia cũng là một trong những kỹ thuật được kế thừa từ môn Thuyền Quyền [2]. Kỹ thuật tập Nhãn Pháp được áp dụng trong hầu hết các bài quyền.

 Phát Kình

Cũng như các môn võ thuật khác của Trung Hoa, Hồng Gia có bí quyết về phát kình, nhưng kình pháp của Hồng Gia Quyền thuộc dạng cương, khác với Triền Ty Kình của Thái Cực, Đàn Kình của Bạch Mi hay Liên Châu Kình của Bát Cực. Kình của Hồng Gia khó tập, khó thành.

Cương - Nhu

Trái với quan niệm phổ biến rằng Hồng Gia là môn chủ về cương mãnh, sự thật hầu hết các kỹ thuật trong môn phái đều có cương nhu bổ trợ lẫn nhau.